XÓM MỚI

XÓM MỚI

Vũ Minh Đức

Xóm Mới...
   Ngày xa xưa khi chưa được đặt tên, là một vùng đất mà người dân Nam bản xứ bỏ Hoang. Nằm áp sát dọc bờ sông vàm thuật. Vào thời đó chỉ có hai đường chính. Một là đường đê nhỏ từ An Nhơn xuống ngã tư Xóm Mới bây giờ . Hai là con đường lớn hơn một chút gọi là hương lộ, chạy từ bến đò (còn gọi là Bến Phân hay cầu Tứ Qúi) về hướng An Hội (Hợp An, ngã tư Lạng Sơn ngày nay). Còn lại là đất bỏ hoang.

   Đường từ ngã tư ngày nay xuống bến đò, cầu Bến Phân chưa được hình thành. Đường từ ngã tư Xóm Mới tới ngã tư Lạng Sơn cũng chưa làm.... Ngã tư Lạng Sơn lúc đó cũng chưa đã có. Hay nói cách khác những con đường này là đường bờ ruộng lớn lúc đó mà thôi. Con đường đi từ An Nhơn vào Xóm Mới (khi chưa có tên Xóm Mới) vẫn còn là một đường đê ruộng, lớn chừng hai ba mét mà xe Bò đi qua được, chuyên chở hàng hóa, hoa quả, lúa gạo, nông sản.

   Khu vực Xóm mới trước đó có một vài ngôi nhà người Nam bản xứ. và vài người Hoa ở đây sống từ trước. Nhà bảo sanh cô Uyển (là người Nam bản xứ). Nhà thương cô Hai chỉ là một tiệm bán chạp-phô nhỏ. Ngôi nhà có thể gọi là cổ nhất hiện nay, nằm tại ngay ngã tư Xóm Mới vẫn còn đó là Diên An Tố,hay còn gọi Diên An Đường, (Nhà chỉ có một lầu, sau này con cháu cơi nới làm thêm một lầu ở trên nữa) . Là một trong những người Hoa trước đó đã đến lập nghiệp và chọn Xóm Mới làm quê hương thứ 2. Gốc ông bà chủ nhà này ở Diên An, Trung Hoa nên lấy tên này làm bảng hiệu. Căn nhà này là một hiệu thuốc bắc lâu đời. Ông bà nói tiếng Hẹ nhưng con cháu không học nói được mà chỉ có thể nói chuyện với mhau bằng tiếng Việt .

   Đối diện với Diên An Tố là bốt Tây, bao quanh khu vực từ ngã tư ngày nay tới giáp chợ Xóm Mới bây giờ. Bốt có đào giao thông hào xung quanh, lấy đất đắp thành một đụm đất rộng, bốt nằm chính giữa ngay trên đỉnh , từ trên cao có thể quan sát bao quanh cả vùng Xóm Mới.

 

   Đến cuối tháng 9 - 10 thì Tổng Ủy Di Cư mở thêm một trại định cư tại Xóm Mới, cách tỉnh lỵ Gia Ðịnh khoảng năm sáu cây số, Hàng ngày Phủ Tổng Ủy Di Cư tiếp tục đưa đồng bào tị nạn tới Xóm Mới, có ngày bẩy tám chục, có ngày hơn trăm và có ngày tới hơn ba trăm người.

   Hà Nội là những người di cư đầu tiên đến Xóm Mới trong chương trình của Tổng Ủy Di Cư mở rộng thêm các khu cho đồng bào tị nạn . Vì lúc đó , ngoài Bắc, Hà Nội là trung tâm văn vật , kinh tế, tài chính của cả nước. Họ nhiều tiền bạc và nhanh nhạy thông tin nên đã sớm vào trong Sài Gòn.

   Về hành chính, trại di cư Xóm mới thuộc xã An Nhơn, quận Gò Vấp. Mỗi khi có việc, đồng bào phải đi bộ lên văn phòng xã gọi là "nhà làng" xa trại hơn một cây số. Vị xã trưởng là ông Nguyễn Văn Phước người địa phương, lúc nào cũng cầm lọ dầu gió lên mũi hít. Con dấu của Hội đồng nhà làng còn có khắc ba chữ quốc ngữ "An Nhơn Xã".

   Cuối năm 54 ở Xóm Mới đã lên 4000 người, nhưng Chính Phủ vẫn tiếp tục đổ dồn dân di cư về Xóm Mới. Ðông người mới đến, nên cán bộ làm nhà không kịp, nhiều gia đình đã phải dùng những tấm tôn gác vào bên cạnh những hông nhà để làm nơi trú ẩn.

   Dân Xóm Mới tăng lên nhanh chóng, Khi chấm dứt chương trình di cư thì con số đã ngót 10.000 người. Nhưng rồi ngoài số trẻ mới sinh lại có nhiều gia đình khác tới thêm nữa, cho nên tới nửa đầu của thập niên 70 của thế kỷ trước đã đạt tới ngưỡng 15.000 người

   Nói đến Xóm Mới thì mọi người thường nghĩ toàn người Bắc di cư. Nhưng thực tế còn có người địa phương mà trong chiến cuộc đã phải bỏ xã An Nhơn lên Sài Gòn hay nơi khác sinh sống. Đến lúc này thanh bình thì họ trở về quê cũ làm ăn, tái lập nghiệp. Nhưng những đồng bào chánh tông này không sống chung mà chỉ ở sát bên cạnh trại di cư

 

   Qua những tài liệu, những hồ sơ dân số nhập trại hồi năm 1954-1955, người tới Xóm Mới quê ở đủ các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Ðông, Nam Ðịnh, Hà Nội, Bắc Giang, Yên Bái, Hưng yên, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Kiến An, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, thâm chí có cả người sinh ở Quảng Nam và Huế.

   Được biết những gia đình tuy gốc người nguyên quán phía Nam sông bến Hải, nhưng trước đã ra Bắc lập nghiệp, nay cũng theo làn sóng di cư chạy vào Nam. và cũng được Phủ Tổng Ủy Di Cư đưa đến tạm trú tại Xóm Mới rồi định cư luôn tại đây.

   Quay lại vấn đề hình thành trại Xóm Mới. Mấy tháng đầu, mọi người tạm trú trong những căn nhà làm vội vàng lợp tôn bao quanh bằng những tấm phên tre sơ sài. Có hôm ban ngày trời nóng bỏng, đêm xuống khí hậu lại khá lạnh, khiến cho những ông già bà cả Bắc Kỳ tị nạn chưa quen với thời tiết miền Nam nên rất khó chịu, càng nặng lòng nhớ về cố hương miền Bắc xa vời.

 

   Xóm Mới được chia ra thành từng Khu từ Một đến Tám, đó là lý do tại sao đến ngày nay nhiều người vẫn gọi giáo xứ Hà Đông là (khu Một). Những người Hà Nội là những người vào Xóm Mới đầu tiên. Sống tập trung một khu vực bên sát cạnh bốt Tây. Với vị trí và địa lý mà ngày nay vẫn còn dấu tích : các xứ Hà Đông, Hà Nội, Thái Bình, Hợp An, Lạng Sơn đều nằm trên vùng đất cao, bằng phẳng. Các xứ Tử Đình, Bắc Dũng, Trung Bắc, Tân Hưng, Hoàng Mai, Chỉnh Trang đều nằm trong vùng đất trũng, cỏ và lau sậy mọc nhiều.

   Đến năm 1958 cố tổng thống Ngô Đình Diệm mới cho đổ đất làm con đường từ An Nhơn tới ngã tư Xóm Mới lớn hơn gần giống như hiện tại và đặt tên đường là đường Bắc Tiến, và mở thêm đường nối liền tới đầu bên kia gặp hương lộ hình thành ngã tư Lạng Sơn ngày nay. Song song đó Ngài cũng mở thêm một con đường về hướng Bắc tiếp nối với hương lộ ở đầu bên này chạy tới Lò vôi bến Phân (mà sau này gọi là đường Thống Nhất và cầu Tứ Qúi). chỗ giao nhau hình thành có tên gọi Ngã ba nhà đèn tới ngày nay.

   Trước khi mở đường đất về phía cầu Tứ Qúi năm 1958 Con đã đường hình thành lên và nhộn nhịp nằm cận với khu thị tứ và chợ Xóm Mới, lúc ấy dân trong vùng Xóm Mới cũng đã gọi nó với cái tên thân thương, gợi nhớ lại cố hương xa xôi đó là PHỐ. Tuy cũng dài nhưng phố chỉ để gọi khiêm tốn hơn 100 mét trong tổng chiều dài của nó, qua khỏi nhà thờ Hà Nội một chút. Phần còn lại vẫn nhỏ cho đến khi mở đường năm 1958 mới hình thành đường tên Thống Nhất sau này.

   Chỗ đối diện nhà thờ Hà Nội (gọi là cổng đỏ sau này) giáp ranh giữa Bắc Dũng và Trung Bắc ...Trước năm 1954 đó là bãi tha ma, nơi những vật dụng rác phế liệu do những người dân Nam hay trong bốt Tây thường đem ra đổ nơi đây. Vị trí chính xác thường được nhắc tới là khu vực nhà ông Hàng Nứa Phạm Văn Hường , nhà ông Sản. Khu này nằm liền kề nhà ông Lê Ngọc Tuấn (bán lại cho Nguyễn Văn Bảo, ông lang Tàu) , nhà ông Tảo sau này.

   Những ngày chính phủ thành lập trại định cư thì nơi bãi tha ma này được san bằng tạm thời để những chiếc cam-nhông có thể dùng nó mà xuống hàng cứu trợ, rồi để củi, những tấm pallet từ những thùng hàng cứu trợ ... Lúc đó nhà thờ chưa có, nên các Cha tận dụng những chiếc xe đang đậu trên đường này mà dâng Thánh Lễ ngay tại trên xe cùng với giáo dân.

 

   Một vài năm sau đó với nhu cầu chỗ ở tăng cao. Vì không đủ không gian sống cho một số gia đình (các anh chị em có gia đình riêng phải ở cùng, hay gia đình họ tộc thân thiết tới sau không còn lán trống buộc phải ở chung)...

   Nên một số chủ đất gần đó, mé trong đường đê lớn An Nhơn - (ngã tư XM chưa có) và rải rác quanh vùng đã cất lên những căn nhà tạm bợ để bán lại cho dân di cư và sau sống riết rồi làm thành nhà ờ. vấn đề này xảy ra khá nhiều bên dãy đường đối diện với xứ Chỉnh Trang, Hoàng Mai, Tân Hưng v.v... Bởi thế nên bên kia đường mà cùng xứ là vậy . Họ bán với điều kiện chỉ bán nhà nhưng không bán đất... và hàng năm vẫn phải đóng một số tiền cho chủ đất...

   ... Nói là chủ đất nhưng phần nhiều chỉ là những người quản lý đất mà thôi. Là bà con anh em ruột thịt với chủ đất. Còn chủ đất thật sự hương hỏa hay đứng tên trên bằng khoán thì họ ở tận đâu ấy... có khi ở Xóm Gà, Bà chiểu, Phú Nhuận hay Sài Gòn gì đó nên mới không bán đất là vậy.

   Ngay trên vùng đất mà chính phủ cấp, mang tiếng là bỏ hoang nhưng vẫn có bằng khoán là của họ, nhưng đã được chính phủ thỏa thuận với chủ đất để cho dân di cư trú ngụ và đóng thuế hàng năm một phần cho chủ đất và quốc gia.

----o0o----

 

   Cuộc sống cũng dần vào ổn định, khu phố Hà Nội Xóm Mới cũng hình thành. Hai bên đường cũng đã mở ra buôn bán. Ngày lễ Chúa Giáng Sinh đầu tiên với những ngôi nhà thờ được dựng tạm bởi những thanh gỗ và tre nứa cũng đủ ấm áp với đàn chiên Chúa khi phải xa rời nơi chôn nhau cắt rốn ở miền bắc xa xôi.

   Những kệ, sạp, chõng, gánh cũng được đặt lên trên vài bó rau, dăm ký thịt, mớ cá vừa quăng chài, thả câu trên cánh đồng hay con sông ngay đấy. những tiệm may, tiệm cắt tóc sơ sài. Mấy người bán hàng Bồ trước kia cũng đổi thay bằng những tiệm chạp phô nho nhỏ, mà ở đó người ta bán đủ cả những gì có thể. Từ cây kim, sợi chỉ cho đến những bánh xà phòng 72 phần dầu, xà bông Cây Đàn, thậm chí bán cả thuốc tây, bông băng và thuốc đỏ, dầu gió Phật Linh, Song Thập, bán cả lơ tím (Kali pemanganat được tẩm trên một tấm giấy thấm cở nửa tờ A4) cho dễ sử dụng, có thể dùng để tắm, để lơ cho quần áo, khử trùng và nhìn sạch đẹp hơn bởi bụi đất trên phố nhỏ mùa gió bấc.

   Hai bên đường người ta đua nhau trồng những cây bông gòn, cây bã đậu để lấy bóng mát cho những ngày hè oi ả. Những cái giếng công cộng cũng được chính phủ đào rải rác trong những khu dân cư, thành giếng lót gạch thẻ và sỏi trắng với xi măng ở chung quanh.

 

    Chợ Xóm Mớihttps://ac308a4f20.cbaul-cdnwnd.com/3af10b006eff7a3603d6cda3fb77ee9f/200000550-9d84e9d84f/CHO-XOM-MOI.jpg

    Không thể còn ai nhớ được, chỉ có thể suy luận là 1958, cố tổng thống Ngô Đình Diệm mới cho đổ đất làm con đường từ An Nhơn tới ngã tư Xóm Mới lớn hơn, gần giống như hiện tại và đặt tên đường là đường Bắc Tiến, và mở thêm đường nối liền tới đầu bên kia gặp hương lộ, hình thành ngã tư Lạng Sơn ngày nay. Lúc này chợ XM có lẽ được hình thành. Chợ có sau phố Hà Nội (đoạn từ ngã tư dài qua khỏi xứ Hà Nội hơn trăm mét).

Trước đó, Đường từ ngã tư ngày nay xuống bến đò (cầu Bến Phân) chưa được hình thành, chỉ là đường bờ ruộng (bởi xe cam-nhông chở đồ tiếp viện chỉ dừng lại trước cổng xứ Hà Nội) không thể đi xa hơn được. Đường từ ngã tư Xóm Mới tới ngã tư Lạng Sơn cũng chưa làm.... Ngã tư Lạng Sơn lúc đó cũng chưa đã có.

Buôn bán thời gian đầu của XM ở phố Hà Nội, lúc đấy bốt Tây vẫn còn chưa tháo dỡ, xứ Lam Sơn, xứ Fatima trại thơm, xứ Thạch Đà trại Cha Tống chưa hình thành.


   Những năm sau đó, dân Bắc di cư cũng đỡ được cảnh tối tăm khi đêm xuống mà phải dùng những chiếc đèn Huê Kỳ, những chiếc đèn bão. Một vài người có khả năng tài chánh cũng đã nghĩ đến gia đình, bà con, chòm xóm mà cất về những chiếc máy phát điện với công suất khiêm tốn dùng cho gia đình cùng xóm làng. Lúc đấy cả khu vực Xóm Mới chỉ vài ba khu vực mua được máy phát điện mà thôi, nên vẫn còn một số gia đình vẫn không thắp được, bởi chi phí đường dây mà túi tiền còn hạn chế lắm

   Trong nửa cuối của thập niên 60 này, Ngoài một chiếc máy phát ở nhà đèn nơi ngã ba phía cầu Tứ Qúy . Vấn đề điện đóm cũng đã mở ra một trang mới cho Xóm Mới. Những chiếc máy phát điện ở tầm trung bình mà vài người dân bỏ tiền ra trang bị. Có thể cung cấp cho vài chục gia đình sử dụng như ở Bắc Dũng, Thái Bình, Hà Nội, Tân Hưng, Hoàng Mai v.v... Đôi khi cũng xẩy ra những điều khó xử cho người câu mắc nhờ và người chủ máy phát điện, vì công suất thấp, sức tải nhỏ nên nhà chủ máy chỉ cho mỗi nhà một bóng đèn. Nhưng xem ra có những gia đình lén thắp thêm, nên làm tình cảm không mấy hài lòng. có những lúc chủ máy bực mình quá mà cúp toàn bộ điện trên đường dây thuộc máy của mình.

   Điện đóm chập chờn, mỗi ngày chỉ được một hai tiếng nhưng cũng đã là hạnh phúc, cũng cơm nước cũng xắp xếp trong gia đình để có được giờ nghỉ ngơi. Bởi Xóm Mới trong thời gian này như là thông lệ, sau 8 giờ tối các sinh hoạt tất bật cho một ngày dài đều nghỉ ngơi... để 8 giờ sáng hôm sau làm việc và học hành trở lại (8g lúc đó tức là 7 giờ của ngày nay)

   Rồi thì thị trường cũng có thêm những chiếc máy điện mini đủ dùng trong gia đình, lác đác một vài chiếc radio xuất hiện. họa hoằn lắm mới có chiếc tivi , có những cái có thể chạy song song hai nguồn điện. và những tiệm sửa chữa điện gia dụng ra đời ...

   Cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 điện quốc gia về tới Xóm Mới. Ánh sáng hòa với lòng người. Cảnh buôn bán tấp nập . Hàng quán phong phú. Những chiếc xe máy, xe hơi bon bon trên đường. Những tà áo dài nữ sinh tung bay trong nắng mai. Bà bán hàng rong với đôi quang gánh kẽo kẹt. Cậu bé tóc để chỏm trên tay mân mê chiếc bánh dầy. Lão ông với chiếc xe đạp bán dạo trên đường rong ruổi. Các bà, các mẹ trệ vai xách chiếc làn (giỏ) đi chợ về. Đâu đó một vài anh lính về phép... có những chị đứng ngắm bông gòn rơi bay trong gió qua khung cửa sổ. Những chùm ổi xá lị trĩu đỏ. Xa xa những cánh đồng rau muống, những cây dừa, bụi na rừng (bình bát) bên sông. Khói bếp nhà ai lan tỏa mùi bánh chưng dưa hành, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy sáng, tiếng pháo nổ đì đùng . Mùa Xuân đã về trong tiếng súng ngoài kia .... Một thời an bình trong chiến tranh.

-------------
Tham khảo : Vũ Kim Lão Nhân
                      Vũ Đình Cường, (nghiên cứu sử học, biên dịch hán nôm)