TRONG GIAN TRUÂN CHÚA ĐÃ ĐÁP LỜI

 TRONG GIAN TRUÂN CHÚA ĐÃ ĐÁP LỜI
Vũ Minh Đức
         Về nhận xứ mới sau một thời ly loạn, thật ngậm ngùi với cảnh quan ảm đạm so với một Bắc Dũng xưa kia. Cái nề nếp xưa vẫn còn đó, nhưng các đoàn hội chẳng còn như xưa....
          Ngày hai bữa đã khiến họ phải nai lưng ra với công việc. Cực nhọc kiếm vài mươi đồng ít ỏi lo cho gia đình. Lúc này, kiếm được đồng tiền là khó lắm, mà lần ra miếng để ăn thì cũng chẳng dễ gì. Xếp hàng cả mấy tiếng đồng hồ, đôi khi còn khi phải tranh giành nhau mới được vài lạng thịt, non ký rau đã là hạnh phúc lắm rồi. Dầu hôi 1 lít thì phải dè xẻn cho cả tuần... đói....đói lắm khi những hạt bo bo phải bung đến vài tiếng mới mềm. Nó trở nên nhàm chán đến nỗi bụng đói mà nuốt không trôi. Chứng kiến có những đứa trẻ nằm đầu hè thiêm thiếp ngủ chờ từng củ sắn luộc. Nó rệu rạo mà ruồi đậu lên mắt, lên mũi, cả lên miệng mà chẳng buồn đuổi. Những con người gầy guộc, đen đi, mặt xương xẩu hốc hác mà vẫn phải cật lực bương trải để lo cho ngày mai ăn gì. Thời gian đầu là vậy nhưng rồi cũng phải chắt bóp, phải dè sẻn để ổn định hơn.
          Lo thực phẩm hàng ngày đã là một vấn đề, mà lo chất đốt lại còn là một vấn đề khó khăn hơn nữa. Cái câu mà "gạo châu củi quế" áp dụng vào lúc này thì thực chẳng ngoa. Không hẹn nhau mà nhà nhà đều đổ xô đi lượm củi vụn, lượm bã mía tận dăm bảy cây số đi bộ. Nào bao, nào gồng gánh, đến cả cái dây buộc cũng trở lên có giá trị.
          Thật xót không...? khi cả lão bà thuộc hàng đại thọ, trên 90 mà hằng ngày vẫn phải đi bộ hơn chục cây số, gánh những gánh bã mía oằn vai. Da Cụ nhăn nheo rám ánh mặt trời, với đôi dép làm từ vỏ xe phế thải, Khăn mỏ quạ thấm đậm mồ hôi. Áo tứ thân buộc chặt vội vàng giữ cho bụng khỏi xục xịch trên những bước đi. Đôi quang gánh kiũ kịt trĩu nặng quẹt xuống đường nhựa nóng ran của trời mùa Hạ. Sau lưng là một ống guigoz nhôm trắng cũ lắm rồi, còn xót lại của những năm trước đó, mà trong mơ hồ cụ cũng chẳng nhớ ra. Cẩn thận cho vào bịch nhựa rồi dùng dây cói cột chặt vào cái ruột tượng để sau lưng. Đấy ! nước trà tươi giải khát của Cụ trên hàng chục ki-lô-mét đường là vậy
          Cha xứ Tôma Nguyễn văn Thuyết mới về thì ưu tư chẳng kém. Mà bản thân cũng không hơn gì. Cảnh khổ chung nên cũng phải cơm độn khoai sắn mỗi ngày. Mà việc sinh hoạt chung của giáo xứ về mặt đạo nghĩa cũng sa sút nhiều đi vì mưu sinh. Đã có những gia đình phải bỏ xứ đi đồng ruộng, đi kinh tế mới. Những căn nhà hoang hoá ngày lại thêm ra. Có những gia đình phải gỡ cả tôn lên chốn mới để dựng nhà. Thật khốn đốn cả đôi đường, đi hay ở đều cực nhọc và vất vả cả.
          Trong hoàn cảnh như vậy, đến cả giáo dân cũng vơi dần thì Cha xứ nào chẳng nặng lòng tính suy. Nhiều ngày tháng tâm toan Cha cố Toma đã đi đến quyết định khơi dậy đời sống đạo để khỏa lấp đi bao nhọc nhằn lo toan đời sống trong giáo dân của mình.
         Người đã thành lập các khu, sau khi đã cân nhắc và bàn luận với hội đồng giáo xứ lúc bấy giờ. Chia giáo xứ ra được bốn khu :
 
         - Khu 1 : Được chia từ phía bên phải nhà thờ, dãy ngoài đường cùng dãy mé trong và dãy bên cánh phải nhà thờ đến tận ngõ xuống cánh đồng.
          - Khu 2 : Được chia từ bên phía trái nhà thờ, dãy ngoài đường cùng dãy trong và tất cả hai bên của ngõ sau nhà xứ.
          - Khu 3 : Được chia từ dãy sau trường tiểu học, kéo dài đến khúc ngã ba cùng dãy sau từ nhà ông Chánh Hoà tới giáp ranh khu Vĩnh Trị . và toàn bộ ngõ dẫn ra đường, chỗ cổng đỏ (cổng được sơn màu đỏ) đối diện nhà thờ Hà Nội.
          - Khu 4 : Được chia tất cả dãy trong của ngõ trong cùng (hết phần đất của giáo xứ) cộng thêm ngõ nhỏ quẹo trái tới sau nhà xứ của xứ Trung Bắc. Đầu kia của ngõ trong cùng kéo dài ra tới cánh đồng tới cổng ấp chiến lược.
(Sau này có thêm Khu 5, sẽ nói vào giai đoạn sau)
 
          Lại nói thêm, lúc này thì trong các Thánh Lễ chỉ có ca đoàn xứ đảm nhiệm. Nhưng với hai Thánh Lễ cùng ngày mà ca viên thì ít ỏi quá. Các anh chị dẫu sao cũng là người phải lo công việc chung với bố mẹ trong kế sinh nhai hàng ngày.
         Ở ngoài kia, trên sân nhà thờ, hằng tối. Cha Cố Thuyết vẫn thấy nhóm nhem một số, khoảng hơn hai mươi em thiếu niên sinh hoạt vui chơi. Nhóm sinh hoạt này là thiếu niên ấp 4 thuộc xứ nhà do chị Cao Thị Oanh khu 3, chị có họ kêu bằng bác Đỗ thị Cẩm khu 3 (con bà Thúy -Anh), Chị Đặng thị Liên khu 4, chị Trương thị Hồng (con bác Oánh, Tỉnh khu 2) và anh Nguyễn Ngọc Bích (con Cụ Thuyết khu 1) thành lập lên.
        Chịu trách nhiệm sinh hoạt chính là anh Nguyễn ngọc Bích. Là dân tu sinh thuộc Don Bosco Thủ Đức. Thừa hưởng phong cách sinh hoạt, tháo vát, kỹ năng đi trại thực thụ của CHV Don Bosco và Hướng Đạo Việt Nam lúc bấy giờ...
   .... Mà Cha Cố Thuyết là một người giản dị và năng động, có cách tổ chức thật tuyệt vời. Đã từng là một cựu vô địch Cua-rơ (coureur) Nam phần (*) (có lần ngài đã tâm sự và cho xem cái cúp quý giá này) nên sự nhận xét của Ngài với nhóm sinh hoạt ngoài kia Qủa không sai....
         Một hôm trong buổi sinh hoạt của nhóm thiếu niên ấp Dân An 4. Anh Bích nói với các em:
        - Hôm Qua Cha có kêu anh vào mà bảo : thành lập một ca đoàn nhỏ để trợ giúp cho ca đoàn xứ hát lễ, và Cha cũng muốn hình thành các lớp giáo lý của xứ nên có nhờ Thầy Sáng (khu 2), chị Cao th Oanh khu 3, chị Nguyễn thị Hạnh khu 1 (con bác Xuân) và chị Bình khu 2 dạy các lớp ấy.
          Sự hình thành một ca đoàn nhỏ nữa của Xứ bắt đầu từ đây. Mở đầu cho thanh, thiếu, nhi trong Xứ một hướng mới, thiết thực, hình thành lên nhân cách sống. Thầm cảm ơn Cha và các anh chị hướng dẫn. Lại một lần nữa hạt giống đang nẩy mần trên Giáo Xứ của chúng con.
         Sau khi đã hình thành lên các khu với đầy đủ chức vụ Trưởng, phó, quản khu, đã khiến phong trào sống đạo thêm khởi sắc. Đương nhiên khu nào cũng muốn đẹp và tốt cho bộ mặt Giáo Khu của mình. Lần hồi các khu đều thành lập được ca đoàn riêng.
        Đơn cử như khu 1, anh Bích đứng ra tập hát cho ca đoàn khu 1 (kể tới đây cũng xin nói thêm, vì người viết sống ở khu 1 nên viết lần từ đây ra, các khu khác thì không nắm rõ, và có liên quan tới nhóm 7 Tây mà sau này Cha Cố Thuyết hay sử dụng) Quy tụ được bảy anh con trai và hơn chục cô con gái. Các ông trùm khu thấy bảy đứa con trai đứng tập hát tướng cao to nên hài hước kêu là bảy thằng tây. Vậy là từ đó vô tình đã thành một tên riêng để chỉ bảy anh con trai này.
         Thật xin lỗi mất thời gian của người đọc vì chuyện dông dài trên đây...
         Thời gian này thực rất khó khăn, 54 thì còn được chính phủ chu cấp chỗ ở, thực phẩm, thuốc men và vài thứ cần thiết, chứ lúc này chẳng hòng gì mà ngóng vào đâu được. phải tự lực và liệu lấy thôi.
         Chi phí cho một giáo xứ hoạt động là lớn lắm. Nội tiền điện thôi cũng đã làm cho ưu tư nhiều rồi, còn bao nhiêu thứ khác nữa xoay sở sao đây? Cả xứ đều trong cảnh khó khăn. Ngoài cái ao phía trước được lấp đi cùng khi xây thêm hai phòng học giáo lý nối vào với huấn trường và cái ao phía sau ra. Thôi thì trong nhà xứ,còn khoảng trống nào thì tận dụng đào ao nuôi cá kiếm thêm kinh phí để trang trải.
          Cha cố Tô-ma lại kêu gọi các thanh niên trong xứ để giúp đào thêm một cái ao nữa, nằm ngay sát bên hông nhà xứ , chỗ có cây Soài (khu vực bãi để xe bây giờ) . Công việc này, Thanh niên các khu, nhóm 7 Tây, Các anh Sử (con ông Kết khu 1), anh Bích (con ông Hiển khu 1), anh Hà (tám Hà con ông Cố Hào khu 1) và một số bạn bè bên đàng Nam (**) đều phụ giúp một tay. Non hai tháng thì cái ao cũng hình thành. Sau này còn đào lại cái ao cũ ở phía trước. Như vậy thời điểm đó tồn tại cả thảy 3 cái ao cùng một lúc. Chiếm gần như toàn bộ diện tích đất nhà xứ. ở phía sau Cha cố còn tận dụng xây mấy cái chuồng để nuôi heo. Cuộc sống của một Cha Xứ như vậy quả thật là vất vả. Rồi thì nấu cao, trồng cây khuynh diệp, tất cả chỉ mong cho giáo xứ ngày càng tốt đẹp thêm lên. Rất nhiều những kỷ niệm thực trân trọng nơi Cha Cố Tô-ma.
          Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, thì những công sức của Cha Cố Tô-ma Thuyết với xứ nhà Bắc Dũng đã được Thiên Chúa đáp lời. Sinh hoạt của một giáo xứ đã chuyển mình. Những buổi đi lễ nhà thờ nhộn nhịp hẳn lên trong tâm hồn thờ phượng kính mến Chúa. Các lớp học giáo lý vào mỗi sáng chủ nhật lại vang vang tiếng trẻ học bổn (***). Những mái đầu xanh cặm cụi viết bài trên những dãy ghế dài trong nhà thờ. Những tốp nhỏ lót dép ngồi dưới đất trong sân xứ nhà lại râm ran ôn bài ngày hôm qua.Tiếng hát của các ca đoàn như trong hơn, vang hơn và xa hơn. Trên kia, những tầng mây xanh, trong ánh sáng chan hòa, Thiên Chúa đang mỉm cười với giáo xứ nhỏ bé của chúng con.