MỘ KHÚC

MỘ KHÚC

Lê Phương Minh

    Thế là được khỏe lại thêm một chút, cái nghề thầy giáo cũng chẳng hơn như bao nhiêu nghề khác. Cũng vất vả trần ai chẳng kém. Càng về cuối năm thì công việc lại càng trở lên bận rộn. Cuối năm thì vào mùa thi đệ nhất bán niên. Mà các bác biết rồi đấy, hết luyện thi, coi thi rồi lại chấm thi còn phải làm tờ trình cho ban giám hiệu...

    Nhưng giờ đây mọi việc đã xong, gác roi, gác bút, gác sổ, gác cả thước... gác mọi nhọc nhằn lên ngăn tủ giáo viên mà về với vợ, với con. Lo chùi rửa cái tổ ấm cho khang trang và tươm tất để đón tết với gia đình.
Hơ hơ....!! Chạy cái cup 81 cùi bắp mà lòng vẫn thấy phơi phới.
- Xuân ơi Xuân đã về...

    Miệng huýt sáo nho nhỏ theo bản nhạc... Xe chạy ngang qua lối vào chợ. Cứ như là một quán tính, như là một phản xạ có điều kiện hay là được huấn luyện từ trước Lão nghĩ ngay tới việc đi chợ mua chút gì ngon ngon để trưa nay trổ tài "tề... gia chánh".

----------o0o--------

    Cầm cái giò heo trên tay định nấu đông, lão chợt thấy rầu đôi chút... Mất toi hai ngày lương thầy giáo rồi còn gì. Gần Tết cái gì cũng lên giá mà lương của thầy thì chẳng lên. Còn cái khoản tiền tết thì thôi ... nó hẻo gì đâu ấy, chẳng được như năm ngoái.

Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn.
Lá hồng buông lặng ngõ thuôn,
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.
Phất phơ hồn của bông hường,
Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng.
Nghe chừng gió mới qua sông,
E bên lau lách thuyền không vắng bờ.
Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu.
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,
Hiu hiu lòng chẳng làm sao sẽ buồn.

------------- Xuân Diệu -----------

    Vâng ! bài thơ của Xuân Diệu một phần nào đã diễn tả được tâm tình của lão vào lúc này. Vui buồn lẫn lộn.... Ngồi đợi nồi thịt đông trong ngày cuối năm mà lòng miên man suy nghĩ về đời mình, Cái tên Mộ của lão chỉ là tên ngoài, được người nhà và hàng xóm gọi từ tấm bé, có lẽ hàm ý (chiêu mộ - chiêu hiền đãi sĩ). Nhưng một số người lại cho rằng vì dễ thương và giỏi dang nên có nghĩa từ mến mộ hay ái mộ mà ra. Sau này, lão thích cái bản nhạc có tên là MỘ KHÚC mà Phạm Duy phổ thơ của Xuân Diệu và lại lấy hai từ đó để đặt biệt hiệu cho mình....

..... Lão Mộ Khúc bây giờ tóc đã bạc (muối nhiều hơn tiêu), ngồi vẩn vơ nhớ lại quê mình... Cái nơi quê mà lão chưa một dịp được đặt chân về. Vì lão sinh ra ở giữa hai miền Nam, Bắc. Nói như vậy là bởi vì khi rời chiếc tàu há mồm, lão được sinh ra  khi đang lênh đênh trên biển, trong chiếc tàu quân dụng khổng lồ của hải quân Mỹ vào đầu năm 1955...

    Gia đình và một số người làng rời khỏi cảng Hải Phòng trên những chuyến cuối cùng. Lúc này số con người ở đây đã vượt ba, bốn lần trọng tải cho phép của con tàu biển. Tàu đã chật chỗ, những người lên sau đành phải chen chúc trong tầng trên của hầm máy. Gia đình được ưu tiên rộng rãi trong một vuông chiếu vì có phụ nữ mang thai. Mộ Khúc được sinh ra trong môi trường chật trội ấy, lênh đênh trên biển, chẳng phải Nam mà cũng không phải Bắc. Hơi người, sức nóng cùng sự ẩm thấp của hầm máy bên dưới khiến bé Mộ Khúc bị sốt cao... Một vài người tốt bụng đã chạy lên những tầng trên cùng ở phòng thuyền trưởng mà báo tình trạng của bé.... Lúc này một số nhân viên Hồng Thập Tự đã xuống và đưa bé Mộ Khúc đi lên tầng trên dành riêng mà chăm sóc... Nước mắt người sàn phụ thương và nhớ con ngày này qua ngày nọ...

    Một vài người đàn ông ngày ngày vẫn ra bến Cần Giờ ngóng trông, Theo tính toán thì phải ghé Cần Giờ từ chiều hôm kia rồi... Có thể nào những chuyến tàu cuối này chạy thẳng về Cái Sắn Rạch Giá...
    Rồi bao ngày chờ đợi đã tới. Chiếc tàu ấy đã cập bến Cần Giờ trong nỗi mừng vui của những người cùng làng ra đón. Lúc này bà mẹ trẻ cũng được nhận lại bé Mộ Khúc từ vòng tay chăm sóc của các bác sĩ trên tàu. Cuộc hành trình kết thúc tốt đẹp trên mảnh đất mới... Gia Định . Sài Gòn

    Những dẫy lán trại được dựng song song và vuông góc. Được chia thành nhiều gian, mỗi gian khoảng 2m50 trên một vùng rộng lớn mà trước đây cỏ dại và lau sậy mọc. Đi qua một đống rác thật lớn có lẽ là dành cho cả vùng lán trại. Tiếp tục được dẫn tới dãy trại cuối cùng còn xót lại... Hì hì tới đây vậy mà hay, tất cả ba bốn dãy lán đều cùng là người làng với nhau cả, thật vui và thích quá... tới sau mà lại hay vì đất còn lại rất rộng nên người ta chia gian tuy vậy mà dài tới cả năm sáu chục mét. Không gian cũng thoáng, rất cần để giảm bớt cái nắng nóng gay gắt của Gia Định trong những ngày vào Xuân.

    Ở cuối những dãy lán trại thì đất đai còn rộng bạt ngàn. Xa xa ta còn thấy ẩn hiện sau những đám cỏ tranh là một dòng sông sáng bạc dưới ánh mặt trời. Thấp thoáng một vài cây cầu được chính phủ mới xây dựng bằng xi măng. Xa nữa thì một cây cầu bằng sắt có lẽ đã có từ lâu để dành cho hỏa xa.... Mé bên kia sông chắc là vùng đất của dân địa phương Nam Bộ ở, cho nên thấy họ trồng rất nhiều mía và dừa. Những vạt sáng màu tía của hoàng hôn từ từ chìm khuất vào bóng đêm...

    Những ngọn nến, những ngọn đèn Hoa Kỳ bé tẹo cũng từ từ được thắp lên bên trong những lán trại. Những cuộc chuyện trò, những bữa cơm gia đình, những lời cầu nguyện râm ran mong một sớm mai Xuân rực rỡ trên vùng đất mới....

    Cái Tết đầu của những người chân ướt, chân ráo trên vùng định cư mới thật đạm bạc... Bất giác chợt nhớ đến những bài đường thi của nhà thơ Vũ Đình Cường:

"Năm mới Xuân về mai thắm xinh
Làng trên thôn dưới khách đưa tình
Cô hàng cháo sáng quần nhung đỏ
Mụ quán chè chiều áo lụa xanh
Bánh nếp bánh dầy dăm chục tấm
Rượu vang rượu mạnh mấy mươi bình
Người ta như thế Xuân tìm đến
Có kẻ "mậu sìn" đứng lặng thinh".
.......................... Vũ Đình Cường.

    Nghe mà thương mà cảm.... Chợ Xóm Mới, ngôi chợ mới lập cũng đã đông kẻ mua người bán. Có những người từ vùng lân cận tới bán buôn. Lại có những gánh hàng lúc hai ba giờ sáng từ bên kia cầu qua. Nào Mai cành, lá dong, lá chuối, những trái đu đủ, trái na, trái măng cầu, trái quất, trái dừa... Bày bán san sát những dãy hàng giò chả, kẹo, mứt, thèo lèo cứt chuột, bánh dầy, bánh chưng v.v... nhưng người trong trại thì mua bán thật cân nhắc, thật cẩn thận.

"Năm nay ăn Tết cái gì đây?
Vẫn biết chợ đông - mứt kẹo đầy!
Tiền có mua dưa, cam với bưởi
Gạo không bán nắng, gió cùng mây
Bánh chưng muốn gói e đàn chuột
Chả quế toan treo sợ lũ cầy
Thấp thoảng Giao thừa mờ khói pháo
Cũng xong được hũ củ hành cay".
.........................Vũ Đình Cường

    Xuân qua , Xuân đến, Xuân đi... Mộ Khúc nay đã thành một thiếu niên. Các dãy lán trại thì bây giờ người ta đã chia thành ấp. Cuộc sống người dân cũng không mấy khó khăn gì vì ở vùng đất mới cũng dễ kiếm việc. Vả lại nếu không ra việc thì có thể xuống phía cuối ấp mà trồng rau muống, loại rau này thật dễ trồng, ít công chăm sóc, thu hoạch hằng ngày đem ra chợ là có đồng ra đồng vào ngay.

    Cuộc sống thanh bình, ít phải lo nghĩ. Đám trẻ con nhờ vậy mà cũng chuyên vào việc học và vui chơi không vướng bận. Cuộc sống đạm bạc nên chúng chẳng có được những thứ đồ chơi đắt tiền. Lúc này điện chưa có. Cả ấp mới có một cái máy phát điện của tư nhân. Còn vô tuyến truyền hình thì là một thứ xa xỉ, muốn xem phải dành dụm cả đồng mới được xem một tối với một vài phim mà khi xem chẳng hiểu người ta nói gì ở trên đó."dim-guét, bon-na-gia, lỗ-tai-lừa...v v. (*)

    Lúc đó sân chơi của bọn nhóc đa phần là ở cánh đồng. Thả diều, lội xuống ruộng muống bắt cá, cua, bắt dế... Hì hì....Một hôm con dế lửa của Mộ Khúc lăn quay ra chết... cùng với hai đứa bạn (chắc là Hai Lúa với Thúy Trần) liền bỏ vào bao diêm rồi đưa xác con dế ra đồng với đầy đủ nghi thức...

    Chúng tụm lại với trò thổi cơm với cái lon "gui-gô" hoặc cái ống bơ mà củi là túm rơm hay những nhánh cây khô. Còn không thì bày trò đánh trận... Trò chơi lúc này hơi nguy hiểm vì chọi nhau bằng đất, thậm chí bằng gạch, đá cùng với chạc bắn sỏi hoặc đất sét viên phơi khô. Cũng chia phe ấp này và ấp kia, cũng có người cầm quân và quân sĩ. Phe của Mộ Khúc và Hai Lúa có "đại tá Điên" cầm đầu. "đại tá Điên" lúc đó lớn hơn bọn Mộ Khúc hơn chục tuổi, bị tâm thần nhẹ, người ta thường gọi là chập điện hay té giếng... Í chu choa! quên mất rằng ngày đó làm gì đã có điện đâu mà biết chập hay mát. Loạn hay mây mây thôi nhỉ.

    Tội nghiệp, không biết nhà cửa ở đâu và từ đâu lưu lạc tới. "đại tá Điên" hằng ngày chơi lang thang trong xóm hay ngoài cánh đồng với bọn Mộ Khúc và các bạn nhỏ trong ấp. Một hôm chơi đánh nhau thế nào mà bị bọn ở ấp bên chọi nguyên một cục đá vào ngay trán. Máu chảy đầm đìa, bọn nhỏ nháo nhác vội chạy về nhà lấy thuốc đỏ (**) .... mà lạ thuốc đỏ lúc ấy như là thuốc thần ấy hay tại vì đời sống còn còn hạn hẹp mà bị làm sao cũng dùng tới thuốc đỏ.... trầy chân, bong móng, đứt tay, lở mép tất tần tật đều thuốc đỏ là số 1. Bôi vội chút thuốc đỏ (**) và rịt thêm một cục thuốc lào bằng ngón tay cái, xé một miếng áo rách đang mặc mà băng vội.... thương lắm, Mộ Khúc về nhà đêm ngủ mà vẫn thương cái lão "đại tá Điên"...

    Tuổi niên thiếu của Mộ khúc cũng tham gia thiếu nhi Thánh Thể.... ấu nhi, thiếu nhi. Còn nhớ mỗi dịp Xuân về Thiếu Nhi Thánh Thể hay Hướng Đạo thường hay tổ chức hội chợ, rồi tổ chức cắm trại... v.v... Rồi một hôm Mộ khúc cũng được khoác cái khăn đỏ có viền vàng... khà khà trông bảnh chọe ra phết... lúc này hắn cũng tập tành làm người lớn với cây guitar thùng với những điệu Bolero được yêu thích của người lao động Sài Gòn. Vốn liếng vừa được bấy nhiêu thì một bước ngoặc xẩy ra... cả gia đình phải chuyển đi lập nghiệp ở đâu... tận miệt Bàu Cá thì phải..

   Nơi đây, nhờ cái vốn liếng bolero nên cũng cưa đổ được vài em... nhưng ưng ý nhất có lẽ là em Thùy Lan... Cô bé mới xinh làm sao, thùy mị, chân chất như một thiếu nữ của Hố Nai 5 hay 6 gì đấy (***)... Tình chớm nụ, duyên đơm chồi, hoa nẩy lộc... Xuân lại về...

   Cũng như nhiều cuộc tình non trẻ khác... họ lại bị lạc mất nhau... anh về chốn cũ, em ở lại với hoài mong....

   Gia đình Mộ Khúc lại làm lại từ đầu. Mấy anh em lại cùng nhau phụ giúp cha mẹ bằng cách chạy xe Xích Lô... cuộc sống lần hồi cũng ổn thỏa...

    Mộ Khúc giờ đã là một người cha... con cái cũng đã thành Nhân... Rồi là một người ông với đầy tự hào của năm tháng đã qua đi. Tóc bạc đi vì nghiệt ngã của cuộc đời... dòng suy tư cũng chợt bị ngắt quãng bởi mùi nồi thịt đông thơm phức đã len vào hai cánh mũi...

    Tối nay Mộ Khúc lòng vòng xuống phố. Lão muốn đi sắm thêm vài món để đón giao thừa... kiếm một cành Mai, vài chậu cúc đại đóa... lẩn khuất trong dòng người đi mua hoa với mái tóc đã bạc với dáng người quắc thước.... Ngày cuối năm trời hơi lạnh. Bất chợt có tiếng gọi từ mé bên kia đường:
    - Anh Mộ.... Anh Mộ ơi..!!.
    Lão quay ngước về phía bên kia đường... bóng một người phụ nữ tay đang dẫn một cháu nhỏ, vẻ mặt hân hoan rạng rỡ...

    Ôi sao mà huyết áp nhảy vọt thế này.... nhịp tim mất ổn định...
    .... Thùy Lan đó sao..!!.?? ........ Đã đến Giao Thừa chưa nhỉ ...!!.?? . ./

-----------------------
(*) - dim-guét, bon-na-gia, lỗ-tai-lừa... : phim Mỹ.
(**) - thuốc đỏ : mercurochrome
(***) - Hố Nai lúc đó có bốn khu từ 1 đến 4.