Thuý Trần

Thuý Trần

Lê Phương Minh

"Lòng thầm nhủ sẽ không nhớ tới nữa
Nhưng lạ thay dạ lại nhớ người dưng

Giữa phố đông sao nước mắt lưng chừng
Người đi mãi để ngàn trùng xa cách
Gần ngày thi hững hờ chuyện đèn sách
Mẹ có buồn cũng đừng trách con yêu
Ước gì thơ bé để khỏi biết nhiều
Vẫn hồn nhiên mỗi chiều khi xuống phố."

.T. Thúy

   ... Hì hì... !!. Thơ thì vẫn cứ là thơ thôi, chỉ mượn thơ để trải lòng một chút í mà...

   Nhỏ tự nhủ là vậy... lọa rứa...mà sao kỳ này hay mơ mộng thế. Nhỏ thích kẻ mắt tí tị tì ti, chải phớt một chút mascara. Dậm lên trên má một chút phấn hồng hồng... Chỉ một chút thôi kẻo mọi người thấy lại bảo con nhỏ ni mới tí mà điệu thế...

Vậy mà cũng đâu khỏi mấy bà, mấy chị bình phẩm; "Nhỏ ni mà lớn lên thêm tị nữa là con trai xóm này chết hết quá..."

 

------o@o-------

   Cũng như bao thiếu nữ bước vào tuổi (giăng tròn). Nhỏ cũng thích sáng ra trước khi đi học được mẹ cho 5 đồng... "loại tiền giấy mà giờ có vắt óc nhớ cũng chẳng ra hình thức nó như thế nào, chỉ biết rằng kích thước hơi nhỏ, màu ngà ngà hơi đỏ". Ăn quà sáng 3 đồng còn 2 đồng cất trong cái túi vải bé bé xinh xinh "lúc đấy chẳng có bóp đầm hay ví da như bi chờ" và đạp xe đạp lên tận "sì goòng" để học.Điển tâm sáng thì vỏn vẹn gói xôi lạc, hôm thì bánh đúc, lúc khác thì bánh nếp hay bánh rán của nhà bà hàng xóm làm... lúc này bánh nếp người ta không gói bằng nhân đỗ xanh nữa vì thời buổi "gạo châu củi quế mà lị" thay vào đó là loại "đậu đất", hạt to hơn, giống hạt đỗ Tương và cho thêm một ít phẩm màu xanh nữa cho giống. Quả thực ăn cũng hao hao. Ngon hơn so với bánh mì được làm từ bột Bo Bo (lúc lọc bột cho ra cả cục nhựa trong trong, tụi nhóc tì tưởng bở đem dính chuồn chuồn... cũng như không... bằng chùi chân cho nó).

   Hôm nay là Chúa Nhật. Nhỏ được nghỉ. Không gì thích hơn với khoảng sân trước nhà.... Không có cỏ, không có hoa mà cũng chẳng có tiếng chim hót như trong các quyển tiểu thuyết hay các bài thơ mà người ta từng diễn tả. Nhưng chắc chắn nó là một khoảng không gian đủ rộng để thư giãn, giải trí, tâm sự và tán dóc cho cả xóm. Các bà mẹ mà muốn gọi con chơi ở nhà hàng xóm đối diện thì phải ra cửa hét thật to, đến lần thứ hai hay thứ ba nó mới nghe thấy. Trong không gian như vậy thì bà con ta đương nhiên là tận dụng để bán quà sáng là tốt quá đi chứ. Tuy gọi là con ngõ nhưng chiều dài chỉ trăm thước hơn là cùng. Ở đầu ngõ nối với con đường nhựa (xưa kia lúc mới di cư vào còn là đường đất, mãi sau này cuối thập niên 60 mới được các công nhân áo vàng "gọi như vậy chứ thật ra phải là cam cam mới đúng" làm và cán nhựa).Hai nhà bên đầu ngõ thì bán chạp- phô, bán thực phẩm gia súc, thuốc thú y. Còn bên trong từ đầu ngõ vào nào là bán cháo lòng, bún riêu, bánh trôi... có hẳn một một cái quán "dã chiến" nho nhỏ chỉ bằng một cái xe sinh tố. Bánh xe đã hư, chắc có lẽ giờ này nó ở nơi bán sắt vụn, được kê lên bằng những tảng xi măng bể và những cục gạch ống. Người ta làm thêm bốn tấm tôn, vừa là cánh cửa đóng lúc dọn hàng đi về, vừa là mái che khi trời mưa, nắng. Thêm một cái bàn con làm từ gỗ phế liệu và dăm cái ghế là khách có thể uống cà phê hay lai rai một xị rượu và bịch lạc rang hung lìu rồi...

   Không biết lúc đó lão Lúa và lão Ái Mộ đã có lần nào lạc vào ngõ mộng mơ này chưa ? dựa xe đạp bên tường nhà và lai rai vài xị cùng với cóc ngâm hay mứt chùm ruột ghim 10 cây trong 1 bịch...Thôi...Ta hãy trở lại với câu chuyện của Nhỏ... Hì hì... Chúa Nhật tươi hồng mờ. Đẹp giời thế này thì phải tự thưởng cho mình một tô bún riêu thôi. Với giá 5$ một tô mà được hưởng cái hương vị cái không khí hàng quán vào lúc năm cùng tháng tận thì quả là tuyệt vời...

 

-------o0o-----

   Cầm trên tay tô bún đang bốc khói bà quán đưa cho mà Nhỏ cứ hít hà nhè nhẹ. Không cầm lòng được khi nước trong mà thấy từng cọng bún, màu cà chua đỏ chếnh choáng trên váng mỡ nước được múc lên cùng lớp gạch cua nâu nâu. Dăm miếng đậu phụ thái vuông. Thêm một đĩa rau muống chẻ xanh um với rau chuối, tía tô, giá đỗ, húng quế...; nhưng không thể quên rau kinh giới nữa, thiếu rau này thì tô bún mất ngon hơn một nửa rồiChẳng biết các cụ xưa có nhận định gì khi ăn bún riêu. Nhưng với người viết, thì bún riêu còn ngon bởi chỗ cách ăn; bởi không gian và thời gian nơi hàng quán nữa... Này nhé , Nhỏ đưa tay ra với lấy hũ mắm tôm (loại mắm mà tụi Tây nó chỉ mới nghe thấy thôi thì đã bỏ chạy dài) rồi ung dung cho thêm vào tô bún hẳn một thìa... mà cũng lạ thứ này bỏ nhiều lại càng ngon hơn. Vắt thêm vào hai miếng chanh, một thìa ớt dằm. Thế là bắt đầu cho một cuộc đánh vật với bát bún được rồi.Tư thế ngồi phải là ngồi xổm nhưng mà xổm trên ghế đẩu hoặc ghế băng cơ... "dân nam ơi" còn gọi kiểu ngồi nước lụt. Gắp miếng rau sống vào tô bún rồi cuộn thêm miếng cà chua với một ít bún... Nhỏ đưa lên miệng húp sùm sụp ít nước "suýt" cắn thêm một miếng ớt hiểm mà ngon, mà khoái đến thế. Nhìn Nhỏ ăn sao ngon đến làm vậy, trông mà ta cứ nuốt ừng ực... Cái đôi môi chúm chím hồng hồng chẳng biết bởi tại nước da hay tại cái cay xè của ớt rung rung suýt xoa vì sung sướng...

 

---------o0o-----------

   Nói gì thì nói chứ, trong những khoảng thời gian như thế này vào mỗi năm hồi đó thì cả xóm vui lắm. Mỗi gia đình có một ngành nghề riêng nhưng có tính bổ trợ cho nhau cao. Cuộc sống không giàu có gì nhưng cũng chẳng phải là khó khăn quá, từ người già đến con trẻ đều có thể dễ dàng kiếm được vài cái đồng lẻ để chi tiêu nho nhỏ. Có người thì buôn bán ở chợ xa như chợ Trương Minh Giảng, Tân Bình, Bà Chiểu, Phú Nhuận, Tân Định, thậm chí tận chợ Bến Thành, chợ Lớn. Có người thì làm nghề "xô xích le", ba gác, xe ôm, buôn đậu, buôn củi, nước mắm... ôi thôi, cứ gọi là đủ thứ hết. Đó là những ngành nghề riêng... nhưng còn có những nghề chung mà có một câu nói vui diễn tả cho nhau hiểu nó chung tới cỡ nào: (Không ăn cắp điện không phải là dân XM. Không làm pháo lậu không phải là dân XM)..... Trẻ con thì xỏ ngòi, xếp khay nhỉnh một tí thì bập cổ hay vê, thanh niên thì kéo bàn (hì hì cái này âm thanh của nó tuyệt vời: trầm, ấm, rất nhẹ nhàng và êm tai nữa). Cỡ trung niên thì hộn, vào cối, vào thuốc. Người lớn tuổi hơn thì se ngòi, kết bánh....

   Một dây chuyền sản xuất thật là vui, vui trong yên tĩnh.... Vâng , đúng là yên tĩnh thật vì cả xóm ai cũng yên lặng làm công việc của mình trong không khí nhanh và nhịp nhàng... Thành phẩm vừa ra thì có người tới lấy liền và vận chuyển đi bằng mọi hình thức như đã nói khi trước....

   Vòng thời gian cứ hối hả trôi và Nhỏ cũng bị cuốn theo công việc, học hành và rồi thì cứ như một định mệnh. Cuối cùng thì Nhỏ cũng tốt nghiệp và được giao về cho một trường xa xa nhà. Ha ha.... con người ta giờ thành thiếu nữ rồi mà cứ Nhỏ này, Nhỏ nọ nghe mà dị.

   Bẵng đi gần nửa năm thì một hôm...(bây giờ thì gọi là cô giáo Thúy, vậy cho phải phép) Cô Thúy được rảnh một tiết dạy. Bước từ phòng giám hiệu qua khoảng sân trường, giờ này trở thành sân học thể dục cho các học sinh và đi về phía căn-tin dành cho giáo viên. Cũng chỉ tại đói bụng nên chân cô phải dọ dẫm...

   Chưa tới cửa Căn-tin thì bất thần bị ai đó va vào từ đằng sau làm tí nữa thì nhao về phía trước, gượng quay lại thì... Ôi.... sao thế nhỉ, một ông thầy giáo dậy học sinh môn thể dục đang ngượng ngùng, khó khăm lắm mới mở được lời xin lỗi nho nhỏ. Bốn mắt nhìn nhau đứng chết chân.... (coup de foudre).... lại do ông nhóc có cánh bắn bậy rồi...

-----------o0o-----------

   Hưừm ! bị đổ nhá... Hai năm sau thì khăn gói qủa mướp từ biệt mẹ già mà về nhà lão ở... Cũng phúc phần cho Nhỏ, quên... cô Thúy chứ, ngắm hoài mà thấy lão đẹp giai lạ, cao ráo ngon lành, trắng trẻo ngon như miếng chả lụa... dân dạy thể dục thể thao mờ....

Rồi lại túi bụi vào công việc.... mở được mắt ra thì Thúy đã nghe tiếng gọi nhỏ nhẹ:

- Bà ơi ! dậy đi trời sáng rồi.

Thúy lầm bầm:

- Để yên nào, tối qua nội canh nồi bánh chưng nên mệt quá... cho nội ngủ thêm chút nữa.

Thằng nhỏ vẫn chẳng chịu thua:

- Nội dậy đi... lì xì cho con.

Ngoài kia trời đang sáng... chẳng còn tiếng pháo nổ như ngày xưa nữa...